Doanh nghiệp chú trọng phát triển thương hiệu gạo

(Baothanhhoa.vn) – Bén duyên với cây lúa từ rất lâu, nhưng đơn thuần chỉ mới là thu gom và đưa đi tiêu thụ. Từ năm 2019 đến nay, sau khi hoàn thiện nhà máy chế biến, Công ty CP Thương mại Sao Khuê đã tập trung các giải pháp, chiến lược để phát triển thương hiệu, nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo.

Dây chuyền đóng bao sản phẩm gạo tại Công ty CP Thương mại Sao Khuê.

Có dịp thăm nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn) của Công ty CP Thương mại Sao Khuê, chúng tôi được chứng kiến công nghệ vận hành tự động hóa của 2 dây chuyền công nghệ sản xuất lúa tươi và dây chuyền xay xát, chế biến, đóng gói với công nghệ tiên tiến. Anh Đỗ Thế Anh, giám đốc công ty, chia sẻ: “Hành trình xây dựng thương hiệu gạo Sao Khuê có chỗ đứng trên thị trường như hiện nay thực sự không dễ dàng. Tuy nhiên với những nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi đã có những thành công nhất định”.

Đỗ Thế Anh vốn là “dân chuyên ngành”. Anh tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2014. Trong thời gian đi học và làm việc ban đầu anh có cơ hội được đi thực tế đến nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. “Nhận thấy quê nhà có nhiều tiềm năng để phát triển lúa gạo thành sản phẩm chủ lực, nhưng lại chưa có nhiều sản phẩm gạo đặc trưng mang thương hiệu quê nhà. Trong khi đó, chính người dân xứ Thanh lại đang “có vẻ” như ưa chuộng các loại gạo có thương hiệu đến từ các tỉnh Thái Bình, Điện Biên… Sự nuối tiếc đó đã thôi thúc tôi quyết tâm đầu tư vào những sản phẩm gạo có tên tuổi, có nguồn gốc trong tỉnh” – Đỗ Thế Anh chia sẻ.

Vậy là, đầu năm 2019, Đỗ Thế Anh cùng với các cổ đông đã quyết định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạo tại chính mảnh đất quê hương, với tổng mức đầu tư hơn 50 tỷ đồng, quy mô công suất 20.000 tấn gạo thành phẩm/năm. Nhà máy sản xuất được 13 loại gạo trên dây chuyền công nghệ khép kín từ sấy, xay xát tới đóng bao sản phẩm.

Đỗ Thế Anh chia sẻ: “Để có vùng nguyên liệu bảo đảm chất lượng, chúng tôi đã liên kết với nông dân có trình độ sản xuất nông nghiệp cao và truyền thống canh tác thâm canh tại các huyện Hà Trung, Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn và một số tỉnh phía Nam để phát triển vùng nguyên liệu. Tham gia mô hình liên kết, nông dân được hỗ trợ vật tư đầu vào giá thấp theo cơ chế trả chậm, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất; đồng thời được kỹ sư công ty theo dõi, giám sát tốc độ sinh trưởng, sâu bệnh để hướng dẫn giải pháp chăm sóc kịp thời”. Cùng với đó, công ty cũng phối hợp với các địa phương thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, đưa các chuyên gia trong ngành đến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với bà con về các bước sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

Sau những khó khăn ban đầu, đến nay doanh nghiệp (DN) này đã hình thành được vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP lên tới gần 1.000 ha và quản lý chất lượng theo hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP), đạt tiêu chuẩn Việt Nam về gạo trắng TCVN 11888:2017, đáp ứng sản lượng cho nhà máy chế biến với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Từ nhà máy chế biến của chính DN các sản phẩm chất lượng cao như sản phẩm gạo Ngọc Phố, nếp cái hoa vàng Quý Hương… đến các sản phẩm dành cho phân khúc người thu nhập trung bình, các bếp ăn tập thể lần lượt ra đời.

Tuy nhiên, có sản phẩm chất lượng, hội tụ đầy đủ các tiêu chuẩn, con đường phát triển thương hiệu và chinh phục thị trường thời gian đầu cũng không phải ít khó khăn, thách thức. Thời điểm những năm 2019, 2020, vẫn chưa có người tiêu dùng quan tâm đến việc sử dụng sản phẩm an toàn. Không nản chí, Công ty CP Thương mại Sao Khuê đã kiên trì, bền bỉ phát triển hệ thống. Bên cạnh việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty thực hiện các giải pháp xây dựng thương hiệu như: tăng cường truyền thông, quảng bá, mở rộng thị trường qua các kênh bán lẻ, xúc tiến thương mại… và đã từng bước khẳng định vị trí của thương hiệu gạo Sao Khuê trên thị trường.

Đến nay, Công ty CP Thương mại Sao Khuê đã thành công với việc sản xuất, kinh doanh 13 dòng sản phẩm phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng. Nhiều sản phẩm gạo của công ty đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh và các danh hiệu khác, điển hình như: các sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo Hương Thanh, gạo Ngọc Phố đạt danh hiệu Thương hiệu vàng Nông nghiệp Việt Nam năm 2020; gạo Hương Thanh 2 được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh; sản phẩm gạo tẻ Ngọc Phố được vinh danh là sản phẩm, hàng hóa tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Anh Đỗ Thế Anh chia sẻ thêm: “Công ty luôn xác định việc tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị là hướng đi tất yếu. Mặc dù, cách làm này đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn, khó khăn trong triển khai, nhưng để đảm bảo chất lượng, tính bền vững cho khâu nguyên liệu thì không thể không làm. Cùng với sự tận tâm với nông dân trên đồng ruộng, tuyên truyền phát triển mô hình liên kết và hiệu quả thực tế, vùng nguyên liệu của DN đang ngày càng ổn định và bền vững. Hiện nay, DN cũng phát triển hàng trăm đại lý tiêu thụ trên cả nước, hướng tới thị trường xuất khẩu”.

Bài và ảnh: Tùng Lâm – Phóng viên Báo Thanh Hoá