Phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp

(Baothanhhoa.vn) – Xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp là một trong những giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh và bền vững. Vì vậy, ngành nông nghiệp đã xây dựng lộ trình để phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Công ty CP Thương mại Sao Khuê có 3 sản phẩm gạo công nhận danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 4 sản phẩm lúa gạo, 13 sản phẩm rau, quả, 1 sản phẩm mía đường, 1 sản phẩm ngô, 2 sản phẩm thịt lợn, 1 sản phẩm thịt bò, 1 sản phẩm tôm và 3 sản phẩm chế biến từ hải sản khai thác xa bờ và ngao nuôi được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 – 4 sao; 1 sản phẩm được công nhận về chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể.

Thực hiện phát triển thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp theo lộ trình này, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất các nhiệm vụ duy trì, phát triển, quảng bá sản phẩm đã có thương hiệu trên địa bàn tỉnh trên cơ sở điều tra, khảo sát về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ của các sản phẩm, đánh giá những thuận lợi và khó khăn của từng sản phẩm trong nhóm nông sản đã có thương hiệu. Đồng thời, xây dựng các dự án khoa học – công nghệ phù hợp cho từng sản phẩm, ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ mới, công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm đã có thương hiệu. Xây dựng kế hoạch quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản sử dụng nhãn hiệu, giai đoạn 2021-2025. Quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm trong chuỗi giá trị sản phẩm nông sản từ khâu sản xuất đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch (chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa). Hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở, đầu mối thu mua nông sản, nông hộ sử dụng nhãn hiệu, xây dựng kế hoạch và các điều kiện để chuẩn hóa sản phẩm đạt tiêu chuẩn đủ điều kiện đăng ký sử dụng nhãn hiệu, kiểm tra, kiểm soát và công bố chất lượng, phân loại nông sản được gắn nhãn hiệu trước khi tiêu thụ. Cùng với đó, xây dựng, đăng tải các phim tư liệu sản phẩm nông sản đã có thương hiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Xây dựng chuyên trang website thương hiệu sản phẩm nông sản Thanh Hóa phục vụ người tiêu dùng trong việc truy cập, tìm kiếm các sản phẩm chất lượng mang thương hiệu. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm nông sản đã có nhãn hiệu, thương hiệu hoạt động xúc tiến thương mại.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã có 69 sản phẩm nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Trong đó, có 24 sản phẩm rau, quả; 10 sản phẩm gạo; 21 sản phẩm chế biến thủy, hải sản; 6 sản phẩm chè; 3 sản phẩm măng khô; 2 sản phẩm trứng; 2 sản phẩm bột sắn dây và 1 sản phẩm gà. Các sản phẩm này đều được xếp hạng 3 đến 4 sao. Trong đó có 3 sản phẩm, gồm: gạo nếp cái hoa vàng Quý Hương, gạo Hương Thanh và Ngọc Phố của Công ty CP Thương mại Sao Khuê được công nhận danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.

Để tiếp tục phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố đang tiếp tục khuyến khích các tổ chức, cá nhân tiếp tục đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất gắn với xây dựng sản phẩm OCOP. Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu và nhãn hiệu hàng hóa. Đối với những sản phẩm đã được đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh, khuyến khích các chủ thể tiếp tục đầu tư, đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, từ đó nâng sao cho sản phẩm. Đồng thời, tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và thương mại sản phẩm thúc đẩy thị trường trong nước, hướng đến thị trường xuất khẩu.

Bài và ảnh: PV Hương Thơm